Những cuốn sách "đầu độc" tâm hồn trẻ
Những sáng tạo, chi tiết lạ, phản cảm trong truyện cổ tích Sọ Dừa, Thạch Sanh, … trong thời gian gần khiến nhiều phụ huynh lo lắng về chất lượng sách thiếu nhi.
>>> Xem diem chuan nam 2015 tại đây
>>> Xem điểm chuẩn các trường đại học và THPT tại đây
“Văn chương, âm nhạc là những thứ hàng hóa thuộc về tinh thần, cần sự hoàn thiện, hoàn mỹ. Sản phẩm tinh thần không thể loại hai, loại ba được. Đặc biệt là sách giáo khoa, sách cho trẻ em cần sự hoàn thiện, tiêu biểu nhất” – thầy Nguyễn Hùng Vĩ- chuyên gia văn học dân gian trò chuyện với chúng tôi về những cuốn sách giáo khoa, truyện tranh gây phản cảm trong thời gian gần đây.
Những sáng tạo “vô biên”
Sọ dừa thành sọ người với những hình vẽ xấu xí, mẹ Thạch Sanh nhường quần cho con, và những chi tiết miêu tả trận đánh trăn tinh rùng rợn, thô thiển (NXB Kim Đồng), Thánh Gióng tắm Hồ Tây và đi vào rừng lặng lẽ chết (NXB Giáo dục), nàng tiên út bày cho con giết ông ngoại một cách tỉ mỉ (NXB Văn học) và những câu chuyện cổ tích 18+ đang xâm nhập vào đời sống con trẻ. Nhưng đó cũng mới chỉ là những thống kê bề nổi những cuốn sách “biến tướng” về nội dung dành cho trẻ em.
>>> Xem diem chuan lop 10 tại đây
>>> Xem điểm chuẩn đại học 2015 tại đây
Trên thực tế, trong sách giáo khoa, sách cho thiếu nhi và truyện tranh hiện nay có khá nhiều chi tiết gây phản cảm vẫn “lọt lưới”, đang đầu độc thế giới trong sáng của các em.
Chị Hằng ở Thanh Xuân, Hà Nội hốt hoảng khi mua cuốn “Truyện cổ tích về loài chim và muông thú” (NXB Văn hóa Thông tin) cho con gái và phát hiện trong đó những đoạn miêu tả nhạy cảm.
“May là tôi vẫn thường xuyên trò chuyện, đọc sách cùng con mới phát hiện ra chứ nhiều bố mẹ cứ tin tưởng vào những câu chuyện cổ tích, nghĩ rằng không có câu chuyện nào đẹp và trong sáng bằng truyện cổ tích nên để con đọc thoải mái. Tôi không hiểu những người làm sách bây giờ họ ẩu đến thế, những chuyện 18+ mà cũng cho con trẻ đọc được. Chúng ta đang định dạy trẻ con điều gì?”.
Không chỉ chị Hằng mà rất nhiều phụ huynh bày tỏ sự lo ngại khi những cuốn sách “bẩn” đang xâm nhập vào thế giới trong sáng của các em. Họ lo lắng cũng bởi, cuộc sống quá bận rộn, họ không có thời gian kiểm soát những cuốn sách con em mình đang đọc. “Tôi cứ nghĩ, thả con với sách là yên tâm rồi, bất luận là sách gì, truyện tranh, truyện cổ tích. Còn hơn để con mải mê với game, ipad”, chị Nhung chia sẻ.
Những cuốn sách gây “sốc”.
Thế nhưng, nhiều phụ huynh té ngửa khi biết rằng, sách bây giờ cũng có dăm bảy loại. Phụ huynh không phải trong nghề nên rất khó để biết những đối tác làm sách uy tín để có thể chọn những cuốn sách hay cho con cái đọc. Và ngay cả những đơn vị làm sách uy tín hàng đầu như Nhà xuất bản Kim Đồng cũng để lọt lưới những cuốn như Truyện cổ tích Việt Nam, trong đó có truyện Thạch Sanh với những sáng tạo “vô biên”.
Và dây chuyền làm sách “ẩu”
Theo tìm hiểu của phóng viên, không chỉ mấy cuốn sách được điểm mặt, chỉ tên gần đây mà có nhiều sách cho thiếu nhi mang nội dung phản cảm đang trôi nổi trên thị trường. Những câu chuyện cổ tích mang đến một thế giới đẹp đẽ và mơ mộng cho trẻ thơ bỗng nhiên bị dung tục hóa bằng những sáng tạo thiếu văn hóa của người “phóng tác”.
Làm sao truyền được tình yêu thương khi truyện cổ tích lại dùng những ngôn từ “mạnh” như trong truyện Thạch Sanh: “phọt óc”, “chết tươi”. Làm sao dạy về mĩ cảm khi truyện tranh Sọ dừa với những hình vẽ xấu xí, thô thiển. Và làm sao dạy về cái đẹp, sự lành mạnh khi chính những ví dụ thô thiển được người làm sách ngang nhiên đưa vào.
Trong cuốn “Hỏi đáp nhanh trí” được dán nhãn trắc nghiệm IQ, có câu hỏi rằng: “Anh Phong và chị Vân đã kết hôn rồi nhưng khi hẹn hò vẫn lén lén lút lút sợ người khác thấy”. Và câu trả lời: “Vì mỗi người đều hẹn hò với một người khác”. Chẳng lẽ cuộc sống này thiếu những ví dụ tử tế, đẹp đẽ hơn hay sao?
Chính nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ đã phải dùng những từ “ghê rợn”, “thô lậu” để nói về những cuốn sách cho trẻ em đang bị biến tướng trong thị trường sách láo nháo hiện nay.
Trong cuộc chạy đua cạnh tranh khốc liệt của thị trường sách, người làm sách gần như không còn sự tĩnh tâm để làm nên những sản phẩm tinh thần giá trị. Họ chạy theo lợi nhuận, chạy theo những tính toán. Và những sản phẩm “bẩn” nối tiếp nhau ra đời.
Thầy Nguyễn Hùng Vĩ hơi nương tay khi cho rằng, họ không có tâm địa gì xấu, nhưng vì họ ẩu, cộng với năng lực yếu kém, nên mới thành ra thế. Còn người viết bài này thì nghĩ, chính sự ẩu và kém của họ trong một lĩnh vực không được phép ẩu và kém đã là một tội ác. Sự đầu độc tâm hồn, từng ngày, bằng việc đọc đôi khi còn khủng khiếp hơn sự đầu độc về vật chất mà chúng ta đang phải đối diện hàng ngày trong từng bữa ăn gia đình.
Đoạn trích Thánh Gióng có nhiều chi tiết “quá độc đáo”.
Nhưng vì sao và từ bao giờ, những cuốn sách “bẩn” ngang nhiên chiếm lĩnh đời sống tinh thần của trẻ em như thế. Đây chẳng phải là một vấn đề đáng báo động đối với giới làm sách hay sao. Và ai sẽ chịu trách nhiệm về việc này. Theo tìm hiểu của chúng tôi, hầu hết những cuốn sách ẩu đó đều do các đối tác liên kết với nhà xuất bản để ấn hành. Nhà xuất bản là đơn vị thẩm định, kiểm duyệt nội dung và cấp giấy phép. Rõ ràng ở đây là một dây chuyền làm sách ẩu – từ người làm sách đến nhà xuất bản.
Ông Chu Văn Hòa, Cục trưởng Cục Xuất bản khẳng định: “Sắp tới sẽ rà soát lại hệ thống các nhà xuất bản để loại bỏ những nhà xuất bản yếu kém”. Ông cũng kiên quyết sẽ xử lý những nhà xuất bản cho ra đời những cuốn sách thiếu nội dung lành mạnh. Nhưng, có lẽ, vấn đề lớn hơn để triệt tiêu tận gốc những cuốn sách có nội dung thiếu lành mạnh đó, cần hơn những văn bản, quy định, những hình thức thưởng phạt, đó là cái tâm, sự hiểu biết của người làm sách.
“Hàng hóa bán ngoài chợ có thể có loại 1, loại 2, loại 3. Nhưng sách không thể như vậy, đó phải là những tác phẩm hoàn hảo nhất có thể”, thầy Nguyễn Hùng Vĩ khẳng định.