Tung tin nữ sinh bị hiếp dâm: Phạm tội gì?

Hai thanh niên ăn cắp tài khoản Facebook người khác để tung tin tuc  nữ sinh bị hiếp dâm, chết lõa thể nhằm thu lợi bất chính sẽ chịu sự xử lý của phap luat như thế nào

Suốt một tháng nay, nhiều người dân, sinh viên đặc biệt là nữ sinh hoang mang trước thông tin nhanh từ một vài tài khoản Facebook về trường hợp nữ sinh năm nhất khoa Du lịch – Sư phạm bị hiếp, giết sau khu ký túc xá ĐH Công nghiệp Hà Nội.

Và ngày 29-4, Phòng cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao (PC50), Công an Hà Nội đã bắt khẩn cấp hai nghi phạm Ngô Bá Sơn (31 tuổi), Vũ Văn Bằng (26 tuổi), đều trú tại phường Mỹ Đình, quận Nam Từ Liêm về tội “Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin trên mạng máy tính, mạng viễn thông, Internet”.

Như Tuổi Trẻ đã đưa tin, cơ quan công an xác định từ ngày 2-3-2015 đến nay, Sơn và Bằng đã đăng hàng trăm tin khác nhau có nội dung gây sự chú ý, chủ yếu là tin khiêu dâm, cướp, giết, hiếp lên hàng trăm các group trên mạng xã hội Facebook khác nhau, mỗi nhóm từ hàng nghìn đến hàng chục nghìn thành viên.

Do đó, khi những tin này được đăng lên, có hàng trăm nghìn lượt xem và chia sẻ, dẫn đến một số phương tiện thông tin đại chúng đăng tải thông tin này. Tính đến 23-4-2015, hai nghi phạm này đã điều hướng khoảng 2,5 triệu lượt truy cập vào các website khác nhau, thu lợi hơn 20 triệu đồng.

Ông Ngô Tuấn Anh – phó chủ tịch phụ trách an ninh mạng (Công ty Bkav) – cho biết, trên mạng xã hội, thỉnh thoảng ta vẫn thấy nhiều thông tin hấp dẫn, gây tò mò nhưng khi click vào thì nội dung hiển thị không như những gì đã thấy.

Đây là việc làm có chủ đích của người đăng thông tin nhằm điều hướng người dùng vào một trang web khác với mục đích nhất định như quảng cáo, kinh doanh,… Facebook có chức năng chỉnh sửa nhan đề, nội dung đường link trước khi đăng. Đồng thời, về kĩ thuật, người lập trình cũng hoàn toàn có thể thay đổi nội dung thông qua việc viết các chương trình, phần mềm.

Ông Tuấn Anh khẳng định: “Đây là hình thức câu like, câu view nhằm nâng cao thứ bậc của trang web và cũng không loại trừ khi trang web, fanpage được nhiều người biết đến thì kẻ xấu sẽ lợi dụng nó để phát tán mã độc”.

Chủ tài khoản nên làm gì?

Đứng trước thông tin trên, nhiều người dùng mạng xã hội khá lo lắng vì không loại trừ trường hợp mình cũng có thể là nạn nhân.

Ông Ngô Tuấn Anh cho biết: “Hiện nay việc sử dụng mạng xã hội nói chung và Facebook là rất phổ biến, đây cũng là đích ngắm của hacker (người lấy dữ liệu máy tính trái phép), tội phạm mạng trong thời gian qua”.

Ông Tuấn Anh dẫn chứng trường hợp lừa đảo “ông chú Viettel” và gần đây là mạo danh “Hệ thống Facebook”. Theo ông Tuấn Anh, khi người dùng click vào những đường link này và nhập thông tin thì ngay lập tức, tài khoản sẽ bị kẻ xấu đổi mật khẩu. Sau đó, những đối tượng này sẽ lợi dụng danh sách bạn bè để mở rộng phạm vi tấn công.

Ông Tuấn Anh cho biết thêm, có trường hợp, kẻ xấu còn tống tiền, yêu cầu chủ tài khoản phải giao nộp thì mới được trả tài khoản.

“Hiện Facebook có thông tin cách để lấy lại tài khoản đã mất. Người dùng cần register từ trước bằng những thông tin định danh như bản photo, scan CMND, bằng lái xe,..để khi mất có thể lấy lại tài khoản”, ông Tuấn Anh nói

Về quy định của pháp luật, luật sư Nguyễn Văn Hậu cho biết, người bị chiếm đoạt tài khoản có quyền yêu cầu người vi phạm bồi thường thiệt hại về danh dự, uy tín cho mình theo quy định tại điều 604, bộ luật dân sự năm 2005.

Ông Hậu nhấn mạnh, quan trọng là người dùng cần chụp lại những hình ảnh cụ thể để làm chứng cứ yêu cầu bồi thường.

Đối tượng tội phạm này thường dựa trên sự cả tin của người dùng vào những thông tin hấp dẫn. Do vậy, người dùng phải nâng cao ý thức cảnh giác, khi click vào một đường link phải xem kĩ có đúng là tên miền của trang mạng xã hội hay không và lưu ý dòng https phải có màu xanh. Bên cạnh đó, việc sử dụng các phần mềm an ninh có chức năng chống lừa đảo qua Facebook cũng là một công cụ hữu hiệu.

Người tung tin đồn nhảm bị xử lý thế nào?

Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu – phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM – tại điểm a, khoản 3, điều 64, Nghị định số 174/2013/NĐ-CP ngày 13-11-2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện nêu rõ:

Đối với một trong các hành vi cung cấp nội dung thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân trên trang thông tin điện tử thì sẽ bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng (nếu đối tượng vi phạm là tổ chức) và 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng (nếu đối tượng vi phạm là cá nhân).

Bên cạnh đó, các đối tượng vi phạm còn chịu hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện.

Đối với trường hợp doanh nghiệp vô tình tiếp tay cho tội phạm như đã nói ở trên, theo luật sư Hậu, tùy vào hành vi cụ thể của doanh nghiệp để dựa trên cơ sở đó mà xác định doanh nghiệp có vi phạm quy định về quản lý mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet hay không.

Nếu vi phạm, sẽ bị xử lý theo quy định của nghị định 174, xử phạt từ 20-30 triệu đồng, xử lý cá nhân, người đại diện và sắp tới, hình thức xử lý hình sự về mặt pháp nhân cũng đang được xem xét.

 

"Những con số chúng tôi đưa ra chỉ dành để cho các bạn tham khảo hằng ngày. Hãy chịu tránh nhiệm trước những quyết định của mình, Xin cảm ơn"