Bóng đá Pháp, sự trỗi dậy trong bầu trời Âu
Monaco tiếp bước PSG vào tứ kết Champions League. Hơn 20 năm trôi qua kể từ khi Marseille bước lên ngôi vô địch thì chưa có một đội bóng nào làm được điều tương tự. Năm nay, có đến 2 đại diện của nước Pháp đã tiến vào vòng tứ kết. Họ đều đi tiếp khi đã loại bỏ 2 đại diện được đánh giá cao hơn của xứ sương mù và mang theo rất nhiều hi vọng cho người Pháp.
Ngày xưa Marseille vô địch Champions League năm 1993 với nòng cốt là những cầu thủ nội địa như Didier Dechamps, Fabien Barthez, Marcell Desailly, Jocelyn Angloma…
Monaco trong trận chung kết mùa giải 2003/2004 cũng xuất phát với hơn nửa đội hình là người Pháp như đội trưởng Ludovic Giuly, Jerome Rothen, Patrick Evra, Gael Givet…
Hay Lyon những năm tháng luôn là khách mời thường xuyên của vòng knock out Champions League cũng luôn ra sân với đội hình phần nhiều là người Pháp nhưng năm nay khi PSG và Monaco vào đến tứ kết, dấu ấn của những cầu thủ nội địa là rất hạn chế.
Kiểu PSG
PSG được ca ngợi như những người hùng khi họ bước qua được thử thách lớn mang tên Chelsea. Chelsea đó không phải là một đội bóng bình thường mà đó là Chelsea của Jose Mourinho nên việc đi tiếp của PSG lại càng trở nên có ý nghĩa với bóng đá Pháp.
Nước Pháp vui mừng cho đội bóng thủ đô nhưng phía sau niềm vui đó là một nỗi buồn khó có thể khỏa lấp: họ đã ra sân chiến đấu với Chelsea ở Stamford Bridge với chỉ một người Pháp duy nhất trong đội hình xuất phát. Chàng trai may mắn đó là Blaise Matuidi.
PSG mang danh là một đội bóng Pháp nhưng cả thân xác lẫn linh hồn đều là của người Ý khi 9/11 cầu thủ của họ cùng HLV Laurent Blanc đều đã từng chơi bóng ở Serie A. Những ông chủ Qatar của họ cùng ban lãnh đạo đội bóng xem Serie A là mảnh đất vàng để PSG tuyển dụng nhân sự và không khó để nhận ra đội bóng được xây dựng trên cơ sở của rất nhiều tiền chứ bản sắc là điều chưa thể bàn đến.
Nói đến PSG là nói đến Ibra hay những Cavani, Veratti, David Luiz… Đó là một tập thể của những ngôi sao hàng đầu thế giới chứ chưa phải là một đội bóng có truyền thống kiểu như Olimpique Marseille.
Kiểu Monaco
Nếu như PSG đã thay da đổi thịt thật sự với một núi tiền sặc mùi dầu mỏ của các ông chủ Trung Đông thì Monaco cũng không khác là mấy. Họ được tỷ phú người Nga Dmitry Rybolovlev mua lại vào cuối năm 2011.
Mùa hè 2013, Monaco từ Ligue 2 được trở về với mái nhà xưa quen thuộc Ligue 1 và cũng đi theo con đường của PSG, Rybolovlev chi ra đến hơn 140 triệu Bảng để mang về hàng loạt tên tuổi lớn như Radamel Falcao, James Rodriguez, Joao Moutinho cùng những cái tên kỳ cựu như Ricardo Carvalho, Eric Abidal.
Ngay trong mùa giải đầu tiên trở lại Ligue 1 trong năm 2013/2014, Monaco đã có được vị trí thứ 2 chỉ sau PSG và được vào thẳng vòng bảng Champions League. Họ đã để hai ngôi sao lớn nhất là Falcao và James Rodriguez ra đi nhưng vẫn vượt qua Arsenal sau 2 lượt trận để tiến vào tứ kết.
Đêm qua, họ đã ra sân với 4 cầu thủ bản địa trong đội hình xuất phát đó là: hậu vệ Layvin Kurzawa, tiền vệ Kondogbia, tiền đạo trẻ Anthony Martial và đội trưởng Jeremy Toulalan. Trong 4 cái tên nêu trên thì cầu thủ 22 tuổi Kurzawa là người chơi ấn tượng nhất khi anh gần như vô hiệu hóa được Alexis Sanchez bên phía Arsenal và lên tham gia hỗ trợ tấn công khá hiệu quả.
Nòng cốt của Monaco vẫn là những lính đánh thuê ngoại quốc như Dimitar Berbatov, Joao Moutinho, Yannick Carasso và thủ thành Danijel Subasic. Đơn giản họ đến xứ Công quốc thi đấu cũng chỉ vì một chữ tiền chứ hạnh phúc và tự hào khi được khoác lên mình chiếc áo đấu của Monaco có lẽ là một điều xa xỉ.
Khi người Pháp thay đổi
Việc PSG và Monaco vượt qua 2 tên tuổi lớn của nước Anh để tiến vào tứ kết đã làm cho tiếng nói của Ligue 1 có trọng lượng hơn rất nhiều trên bình diện châu Âu. Với những thành công ở thời điểm hiện tại của hai đội bóng nhà giàu nói trên thì có thể thấy họ đang học tập theo cách làm bóng đá của những Man City và Chelsea ở xứ sương mù khi đồng tiền chi phối tất cả.
Bóng đá hiện đại muốn thành công một cách nhanh chóng thì không còn cách nào khác là phải chi ra thật nhiều tiền. Sẽ không còn những nhà vô địch Champions League với 8 cầu thủ nội địa như Marseille năm 1993, cũng sẽ không còn một á quân với 6 cầu thủ người Pháp ra sân trong đội hình xuất phát như Monaco năm 2004 mà bây giờ muốn tiến sâu ở đấu trường danh giá nhất châu Âu, các đội bóng Pháp đã có một chiến lược hoàn toàn khác.
Pháp được biết đến như một trong những nền bóng đá có chất lượng cầu thủ ổn định nhất thế giới. Các đội bóng lớn của họ như Bordeux, Marseille, Saint Etiene đều có một lịch sử lâu đời và có bản sắc. Tuy vậy ở châu Âu, họ vẫn chỉ được xem là một sân sau của những đại gia ở La Liga, Ngoại hạng Anh và cả Serie A nhưng hiện nay thời thế đang dần thay đổi.
Những tấm gương đang thành công tạm thời như PSG và Monaco sẽ là ví dụ hiện thực nhất để các nhà đầu tư nhảy vào sở hữu những đội bóng khác ở Ligue 1 và biết đâu trong một vài năm tới những Marseille, Lyon hay Bordeaux sẽ trở thành một phiên bản II của hai gã nhà giàu này. Khi đó bóng đá Pháp cũng sẽ như Premier League, những CLB hàng đầu sẽ mạnh lên rất nhiều và mất dần chất Pháp.
Hãy nhìn sang Arsenal, Manchester City hay Chelsea số cầu thủ người Anh ra sân thường xuyên trong đội hình của 3 đội bóng này cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Sự thật này được phơi bày đơn giản bởi những đồng tiền của các ông chủ cùng với chất lượng vượt trội của các ngôi sao ngoại quốc đã cướp đi cơ hội của hầu hết “con em” trong nước.
Tương lai?
Liệu PSG hay Monaco có thể bước tiếp vào bán kết hay không? Đó là một câu hỏi không dễ tìm lời giải đáp nhưng nếu may mắn họ là một trong 4 đội mạnh nhất châu Âu, thậm chí là vào chung kết để lên ngôi vô địch thì đó cũng không phải là cái chất của người Pháp.
Dù sao, trong guồng quay của bóng đá hiện đại thì những gì mà Monaco và PSG làm được cho đến ngày hôm nay cũng là một điều đáng mừng nhưng người dân mảnh đất hình lục lăng sẽ vui hơn nếu trong đội hình của 2 đại gia trên có thêm một vài người Pháp.
Theo báo bóng đá Ole.
"Những thông tin thể thao được gửi tới bạn đọc để tham khảo trước những trận cầu kinh điểm . Chúc các bạn vui vẻ"