Đề thi chính thức phải đảm bảo 2 mục tiêu

Đó là khẳng định của PGS-TS Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng (Bộ GD-ĐT) xung quanh đề thi THPT quốc gia 2015.

Ông Trinh cũng cho biết Bộ sẽ tiếp tục lắng nghe và tiếp thu một cách khoa học các ý kiến về đề thi minh họa để có được một bộ đề thi chính thức đảm bảo vừa kiểm tra được kiến thức cơ bản, vừa có tính phân hóa, nhằm đáp ứng 2 mục tiêu xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH, CĐ.

Đề thi chính thức phải đảm bảo 2 mục tiêu

 

Ông Mai Văn Trinh nói: “Khi giới thiệu đề thi minh họa, chúng tôi không chỉ nhằm đáp ứng nhu cầu của đông đảo học sinh (HS) và phụ huynh mà còn để giúp các nhà chuyên môn, giáo viên có định hướng và kế hoạch tổ chức dạy học, ôn tập tốt hơn cho HS. Vì thế, chúng tôi không chỉ làm trong ngày một ngày hai mà đã tổ chức 3 đợt làm ma trận đề thi mới, xây dựng đề thi minh họa như đã giới thiệu”.

Trong dư luận có rất nhiều ý kiến nhận xét về chất lượng đề minh họa, đồng thời còn đề xuất giải pháp về cách ra đề thi chính thức trong kỳ thi sắp tới. Ông nghĩ thế nào về các ý kiến đó?

Qua báo chí cũng như qua các thông tin trực tiếp mà tôi nhận được, việc giới thiệu đề thi minh họa đã đáp ứng được nguyện vọng của hầu hết HS và giáo viên liên quan tới kỳ thi THPT quốc gia năm nay, được nhiều HS, giáo viên và dư luận hoan nghênh.

Tuy nhiên, vẫn còn những nhận xét, ý kiến khác nhau về từng đề thi cụ thể. Có người cho rằng đề dễ, người cho đề khó, người nói phân hóa tốt, người nói phân hóa chưa tốt… Sở dĩ như vậy là vì nhận xét của giáo viên ở trường chuyên sẽ khác với giáo viên trường không chuyên và càng khác với những người đang dạy học ở những vùng khó khăn trên cả nước.

Điều quan trọng mà chúng tôi cần phải làm bây giờ là tiếp tục lắng nghe, nghiêm túc tiếp thu các ý kiến một cách khoa học. Tất nhiên chúng tôi còn có những kênh thông tin khác để tham khảo, ví dụ như qua những giáo viên có kinh nghiệm, có trách nhiệm, đang trực tiếp giảng dạy để có thêm cơ sở phân tích, đánh giá những ý kiến phản biện.

Cái đích cuối cùng của mình là sẽ đi đến một đề thi chính thức trong nay mai bảo đảm kết quả thi vừa để xét tốt nghiệp THPT, đồng thời cũng phải phân hóa để làm cơ sở cho các ĐH, CĐ sử dụng trong tuyển sinh.

Ông nói Bộ sẽ lắng nghe và tiếp thu một cách khoa học, vậy tính “khoa học” đó sẽ được thể hiện như thế nào?
Không chỉ riêng trong việc này mà trong thời gian qua, trong quá trình xây dựng phương án tổ chức kỳ thi, xây dựng các quy chế thi…, Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục đã thành lập một bộ phận chuyên trách công tác tổng hợp tất cả những ý kiến góp ý để phân tích, đánh giá nghiêm túc, cầu thị, từ đó có những điều chỉnh, bổ sung hoàn thiện.

Sau một thời gian đủ giá trị thống kê, chúng tôi sẽ cùng bàn bạc, cân nhắc nghiêm túc, khoa học chứ không bảo thủ để đi đến những kết luận hợp lý nhất.

Không chỉ tổng hợp ý kiến từ báo chí mà như trên tôi đã nói, chúng tôi còn có những kênh thông tin riêng. Hiện nay, chúng tôi có một mạng lưới các đồng nghiệp, chuyên gia, nhà khoa học rất tâm huyết với ngành hiện đang công tác, giảng dạy ở nhiều cơ sở giáo dục, đào tạo khác nhau luôn đồng hành trong lộ trình đổi mới của ngành.

Bộ có đội ngũ tư vấn là giáo viên đang dạy học trực tiếp nhưng thông thường những người này lại dạy học ở các trường mà đối tượng HS phần lớn là khá giỏi. Vậy các ý kiến tư vấn của họ liệu có vô tình gây bất lợi cho HS sức học kém hơn?

Không hẳn như thế. Khi triển khai các đợt làm ma trận đề thi, lãnh đạo Bộ luôn chỉ đạo phải tính toán không chỉ phù hợp cho các HS giỏi hay chỉ cho HS vùng khó khăn mà phải tính toán sao cho phù hợp trên diện rộng, phủ kín cả nước.

Đội ngũ giáo viên tham gia làm ma trận đề thi, ra đề minh họa cũng gồm có những giáo viên đang giảng dạy ở các loại hình trường khác nhau. Đó là vấn đề phải tính toán, cân nhắc, cho nên 40, 50 hay 60% nội dung cơ bản của đề thi cũng phải trăn trở lắm. 60% nội dung cơ bản như hiện nay thì đối với những em học ở trường chuyên, trường chất lượng cao, trường hàng đầu của các huyện/thị không có vấn đề gì trở ngại lắm, nhưng với những em ở các trường khó khăn hơn cũng sẽ gặp khó khăn nhất định.

Việc nhận xét đề dễ, đề khó thì còn do góc tiếp cận của từng cá nhân người nhận xét. Nhưng nhiều ý kiến cho rằng rất khó mà ra được một đề hay khi mà chúng ta thực hiện một kỳ thi 2 mục tiêu. Có phải đây cũng là một vướng mắc của Bộ?

Tổ chức kỳ thi THPT quốc gia thì có nhiều khó khăn phải vượt qua, nhưng không có gì vướng mắc cả. Chúng tôi nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, hiệu quả. Xây dựng đề thi chỉ là một trong các khâu của kỳ thi THPT quốc gia. Bộ sẽ cùng với các chuyên gia, các nhà giáo xây dựng bộ đề thi chính thức thỏa mãn các yêu cầu, đảm bảo thành công của kỳ thi THPT quốc gia 2015.